Sidebar

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật tổ chức workshop “ UTE towards education 4.0”

Trong khuôn khổ dự án Emvitet “Tăng cường năng lực cho giảng viên Việt Nam hướng đến giáo dục 4.0” thuộc chương trình Eramus+ giữa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐHSPKT) - Đại học Đà Nẵng với Trường Đại học Khoa học Ứng dụng HAMK, Phần Lan. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đã tổ chức workshop “ UTE towards education 4.0”

Sáng ngày thứ Sáu vừa qua, 22 tháng 11 tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đã diễn ra workshop với Chủ đề “UTE towards education 4.0” (Đại học Sư phạm Kỹ thuật hướng tới Giáo dục 4.0). Đây là chuỗi hoạt động trong khuôn khổ dự án Emvitet “Tăng cường năng lực cho giảng viên Việt Nam hướng đến giáo dục 4.0” thuộc chương trình Eramus+ giữa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐHSPKT) - Đại học Đà Nẵng với Trường Đại học Khoa học Ứng dụng HAMK, Phần Lan. 

Phát biểu khai mạc workshop, PGS.TS. Võ Trung Hùng – Phó hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng ban điều hành dự án đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục 4.0 cũng như những thách thức đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các trường Đại học tại Việt Nam và các giảng viên trong xu thế mới buộc phải thay đổi, tích cực tiếp cận với công nghệ số cũng như linh hoạt trong phương pháp giảng dạy. 

a1.JPG
PGS.TS. Võ Trung Hùng – Phó hiệu trưởng Nhà trường, 
Trưởng ban điều hành dự án phát biểu tại workshop “UTE towards education 4.0”

Nói đến Phần Lan, một trong những quốc gia dân cư thưa thớt nhất châu Âu với dân số chưa đến 6 triệu người, nhưng giáo dục Phần Lan được đánh giá hàng đầu trên thế giới và luôn đứng đầu các cuộc khảo sát quốc tế do Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) thực hiện từ năm 2000. Giáo dục Phần Lan hoàn toàn miễn phí và không có khái niệm học thêm. Phương châm giáo dục Phần Lan là muốn nhà trường trở thành thiên đường cho trẻ em, ở đó các học sinh được hưởng một nền giáo dục công bằng, học sinh thành thị hay nông thôn đều cùng được hưởng một nền giáo dục đồng đều. Các giáo viên từ bậc tiểu học tại Phần Lan tối thiểu phải có bằng thạc sỹ, được hưởng lương cao và được xã hội xem trọng. Đặc biệt, việc tuyển chọn giáo viên được thực hiện một các khắt khe từ đầu vào, vì thế ngành giáo dục cũng không cần kiểm tra, phân loại hay giám sát giáo viên. Chất lượng giáo viên chính là một trong những điều cốt yếu của hệ thống giáo dục Phần Lan.

Vì vậy, dự án Emvitet hợp tác giữa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (UTE)– Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Hamk, Phần Lan là một cơ hội tuyệt vời cho các giảng viên UTE. Khi đến với trường Hamk, các giảng viên đã có cơ hội được tiếp cận với các phương pháp giảng dạy linh hoạt, tiên tiến, dạy học theo dự án, dạy học lấy học sinh làm trung tâm kết hợp với công nghệ số nhằm hướng tới một nền giáo dục đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp trong thời đại mới.

Tại buổi workshop, TS. Nguyễn Thị Hải Vân đã chia sẻ về những trải nghiệm giáo dục 4.0 tại Phần Lan với báo cáo “Giáo dục 4.0 – kinh nghiệm từ Phần Lan” và sau đó, TS. Hoàng Thị Mỹ Lệ đã trình bày phần báo cáo “Dạy học số trong Giáo dục 4.0”. Các giảng viên tham gia dự án Emvitet đã thao tác trực tiếp cách sử dụng các ứng dụng công nghệ số để làm phong phú bài giảng. ThS. Nguyễn Văn Phát cũng đã có phần báo cáo “Hướng dẫn sử dụng phần mềm biên soạn bài giảng video”. Những chia sẻ của các giảng viên tham gia dự án đã nhận được rất nhiều những trao đổi, thảo luận và quan tâm từ các giảng viên trong Nhà trường. Có thể xem đây là những bước đi đầu tiên tích cực trong việc hướng tới Giáo dục 4.0 của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật.

Một số hình ảnh

a4.JPG
TS. Nguyễn Thị Hải Vân báo cáo “Giáo dục 4.0 – kinh nghiệm từ Phần Lan”

a5.JPG
TS. Hoàng Thị Mỹ Lệ trình bày phần báo cáo “Dạy học số trong Giáo dục 4.0”

a6.JPG
ThS. Nguyễn Văn Phát báo cáo "Hướng dẫn sử dụng phần mềm biên soạn bài giảng video”

(Hải Vân)

Các bài khác...