Sidebar

Tuyên truyền, phổ biến và triển khai Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Thực hiện kế hoạch Pháp chế năm học 2019-2020, Tổ Thanh tra - Pháp chế xin phổ biến một số nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Các nội dung này được trích từ nội dung của Hội nghị tập huấn công tác pháp chế và báo cáo viên pháp luật ngành Giáo dục Khu vực phía Nam năm 2019.

I. LUẬT GIÁO DỤC NĂM 2019

Luật Giáo dục 2019 số 43/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 14/6/2019, công bố ngày 4/7/2019. Luật Giáo dục 2019 (gồm 9 chương, 115 điều) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.

   Để chuẩn bị cho việc chính thức áp dụng Luật Giáo dục 2019 được triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn xã hội, ngay từ thời điểm này, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cũng như cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên và Nhân dân cả nước cần tìm hiểu những quy định của Luật vừa được ban hành. Dưới đây là một số điểm mới cơ bản của Luật Giáo dục 2019 so với Luật Giáo dục hiện hành:

1.      Làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục

Luật Giáo dục đã bổ sung quy định cụ thể về công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho công dân và phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng (Điều 9, Điều 10). 

2. Chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

   Luật Giáo dục quy định Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước;

   Quy định phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của giáo dục phổ thông; thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.

   Điểm mới cơ bản của Luật Giáo dục 2019 về Sách giáo khoa thể hiện tính linh hoạt và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Được quy định cụ thể tại điều 32 như sau (Trích Khoản 1, Điều 32)

  - Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử;

   - Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật;

   - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

   - Tài liệu giáo dục địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

   Quy định này vừa mở ra cơ hội thông thoáng cho các chuyên gia giáo dục, những người có năng lực và tâm huyết đối với giáo dục thực hiện biên soạn các bộ sách giáo khoa khác nhau, tạo cơ hội cho người học có nhiều kênh lựa chọn, tham khảo đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trong việc thẩm định, phê duyệt, áp dụng tại địa phương, cơ sở mình quản lý.

3. Bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận

   Luật Giáo dục bổ sung quy định trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.

Đồng thời, bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình nhà trường: chỉ được chuyển đổi từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận (Điều 47).

4. Quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học, sau đại học đều được nâng lên so với các quy định trước đây (Trích Khoản 1, Điều 72)

   Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

1.      Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Như vậy, với quy định này, ngay từ bây giờ, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm có ngành đào tạo giáo viên cần chú ý trong công tác xây dựng chương trình, tuyển sinh và tổ chức đào tạo các bậc trình độ đào tạo giáo viên trong hệ thống giáo dục quốc dân.

5. Quy định chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm 

Luật Giáo dục quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học chứ không còn chính sách miễn phí toàn bộ học phí như hiện nay, ngoài ra, người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí. Quy định này nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách không phải đóng học phí của học sinh, sinh viên sư phạm quy định tại Luật Giáo dục hiện hành (Điều 85). 

6. Quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập

Theo quy định của Hiến pháp 2013 thì Nhà nước “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí” và theo Nghị quyết số 29-NQ/TW thì Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.

 Luật Giáo dục quy định giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc; Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

 Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc (Điều 14).

Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện đối với trẻ em mầm non 05 tuổi và học sinh trung học cơ sở (Điều 99).

7. Cấp giấy xác nhận hoàn thành chương trình phổ thông trung học

   Theo Quy định của Luật, học sinh sau khi học xong chương trình THPT, nếu không thi tốt nghiệp hoặc thi trượt tốt nghiệp thì được cấp Giấy xác nhận hoàn thành chương trình THPT. Hiệu trưởng trường THPT có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận hoàn thành chương trình THPT, Giám đốc Sở GD&ĐT có thẩm quyền cấp Bằng Tốt nghiệp THPT.

8. Quy định về chính sách tiền lương đối với nhà giáo (Điều 76)

   Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

   Như vậy, thay vì xếp lương theo thang bậc như hiện nay, chính sách lương mới sẽ được sắp xếp theo vị trí việc làm; Chế độ phụ cấp đối với Nhà giáo cũng sẽ có những thay đổi phù hợp với chính sách tiền lương mới.

9. Quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục

Luật Giáo dục quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước (Khoản 1, Điều 96).

II. LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Những thay đổi và điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH so với Luật hiện hành, gồm:

1. Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học trong toàn hệ thống

Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 32 về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, quy định gắn với trách nhiệm giải trình và sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan tới tự chủ đại học ở một số điều khác nhằm đổi mới quản lý nhà nước, giúp cơ sở GDĐH phát huy nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:

- Về tự chủ trong hoạt động chuyên môn: Các cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành, tự chủ liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; tự chủ trong việc thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát văn bằng cho người học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các cơ sở GDĐH.

- Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự được tập trung ở nội dung sửa đổi quy định về hội đồng trường để có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do Hội đồng quản trị quyết định.

- Tự chủ tài chính, tài sản thể hiện ở quy định về cơ sở GDĐH có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh. Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả.

2. Đổi mới quản trị đại học

Luật đã sửa đổi, bổ sung 7 điều (Điều 14, 15, 16, 16a, 17, 18, 32) nhằm đổi mới công tác quản trị đại học theo hướng quy định rõ cơ chế quản trị trong trường đại học công lập tự chủ, trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ, sửa đổi, bổ sung các quy định để Hội đồng trường là hội đồng có thực quyền, thực hiện chức năng quản trị trong trường đại học tự chủ. Thành phần của Hội đồng trường cơ bản độc lập với bộ máy quản lý của hiệu trưởng, có các quyền của tổ chức quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường.

Đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, Luật quy định cơ chế quản trị tiệm cận với xu hướng quốc tế, bổ sung quy định về bộ máy quản lý theo tiêu chí chủ sở hữu, bổ sung các quy định phù hợp để khuyến khích đầu tư, phát triển các trường tư thục.

3. Đổi mới quản lý đào tạo

Luật sửa đổi, bổ sung 05 điều (Điều 33, 34, 9, 50, 52) nhằm đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế thông qua việc xây dựng một số khái niệm tương đồng với quốc tế, xây dựng các chuẩn GDĐH như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở GDĐH…

làm công cụ quản lý nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo chất lượng đào tạo, thúc đẩy việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các trường trong khu vực và trên thế giới. Căn cứ vào kết quả kiểm định, năng lực của trường và nhu cầu xã hội, các trường có quyền tự chủ mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng…

Để đảm bảo chất lượng đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh, Luật bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ GDĐT thẩm quyền quyết định cho phép mở các ngành này; thẩm quyền phê duyệt đề án liên kết đào tạo với nước ngoài đối với ngành đào tạo giáo viên, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khoẻ; thẩm quyền quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên, ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề.

4. Đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học

Luật sửa đổi, bổ sung 14 điều (Điều 4, 6, 7, 9, 11, 12, 20, 21, 38, 42, 45, 54, 68, 69) nhằm đổi mới công tác quản lý nhà nước trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học, bao gồm:

- Quy định các loại cơ sở đào tạo trong hệ thống GDĐH gồm: đại học, trường đại học (bao gồm trường đại học và học viện) với các tiêu chí đặc trưng:

 Đại học là cơ sở GDĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, trong đó có đào tạo sau đại học đến trình độ tiến sĩ ở một số lĩnh vực thế mạnh; có cơ cấu linh hoạt bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên và/hoặc các trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ; có khoa và một số đơn vị trực thuộc khác, theo nhu cầu phát triển.

Với các quy định về đại học như trên, các cơ sở GDĐH ngoài công lập cũng có thể trở thành đại học nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cùng với cơ chế mới về phân bổ nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả, thực hiện tự chủ đại học … quy định này sẽ góp phần phát triển các cơ sở GDĐH ngoài công lập ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trường đại học, học viện là chế định chung, học viện là một loại trường đại học. Quy định như vậy để phù hợp với thực tế hiện nay ở Việt Nam khi hầu hết các trường đại học, học viện về cơ bản có chức năng đào tạo như nhau (đào tạo một hoặc nhiều lĩnh vực, có khoa, bộ môn và một số đơn vị trực thuộc khác).

Nhiều nước trên thế giới cũng không có sự phân biệt rõ về nội hàm của tất cả các cơ sở GDĐH theo tên gọi mà vẫn có một số cơ sở GDĐH có tên gọi riêng khác với đa số các cơ sở khác trong hệ thống để giữ “thương hiệu”, tôn trọng tên gọi và quá trình phát triển trong lịch sử của mỗi trường. Do đó, hệ thống cơ sở GDĐH theo Luật gồm đại học, trường đại học để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam.

- Quy định về quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH theo Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 19-NQ/TW.

- Quy định việc xếp hạng các cơ sở GDĐH theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam; trong đó, thay việc phân tầng theo quy định hiện hành bằng xếp hạng cơ sở GDĐH vì lý do quy định về phân tầng trong Luật hiện hành chưa phù hợp với xu hướng quốc tế và không khả thi trong thực tiễn.

Theo Luật, pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Trong Luật, hệ thống sẽ được phân thành hai loại: cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu và cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng, căn cứ vào định hướng, mục tiêu, kết quả đào tạo, nghiên cứu của các cơ sở GDĐH. Trên cơ sở đó, các trường có định hướng dài hạn để đầu tư, phát triển; Nhà nước xây dựng chính sách, quy hoạch đối với mỗi loại để đáp ứng yêu cầu đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của đất nước.

- Quy định rõ các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo và cấp văn bằng, kiểm định chất lượng… để các trường tự chủ thực hiện, yêu cầu minh bạch thông tin, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong GDĐH. Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục được quy định với trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan.

Trong chu kỳ kiểm định theo quy định, nếu cơ sở giáo dục đại học không thực hiện kiểm định chương trình hoặc kiểm định chương trình không đạt yêu cầu thì trường phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo cho người học đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Sau 2 năm, nếu không thực hiện kiểm định lại chương trình hoặc kiểm định lại nhưng không đạt thì cơ sở giáo dục đại học phải dừng tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó, phải đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.

Về tổ chức kiểm định chất lượng, các quy định được hoàn thiện để tổ chức kiểm định chất lượng độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở GDĐH, có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng GDĐH; bổ sung quy định về việc Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nhằm đảm bảo tính thống nhất, xác định rõ về năng lực để đảm bảo đồng đều kết quả đánh giá, kiểm định giữa các trung tâm kiểm định chất lượng.

- Về quản lý tài chính, tài sản: Luật sửa đổi, bổ sung 4 điều (Điều 64, 65, 66, 67) về tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học theo hướng đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở GDĐH để tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ.

Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác. Ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Tài sản của cơ sở giáo dục đại học công lập được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công. Tài sản của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc: Tài sản của Nhà nước và quyền sử dụng đất được Nhà nước giao cho cơ sở giáo dục đại học không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.

Tài sản chung hợp nhất không phân chia bao gồm tài sản được viện trợ, tài trợ, hiến tặng, cho tặng và tài sản khác được pháp luật quy định là tài sản chung hợp nhất không phân chia, thuộc sở hữu của cộng đồng nhà trường, do hội đồng trường hoặc hội đồng đại học đại diện quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người chuyển giao quyền sở hữu tài sản (nếu có), không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào./.

                                                                    TỔ THANH TRA-PHÁP CHẾ

Nội dung chi tiết Luật Giáo dục

Nội dung chi tiết Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Các bài khác...